Sau một thời gian trồng cây, bạn nên thay đất hoặc thay cả chậu cho cây của mình. Có nhiều lý do để thay chậu cho cây, thay chậu mới để cây của mình nhìn mới lạ hoặc tăng thêm thể tích chậu để cây phát triển tốt hơn.
Bất kể là vì lý do gì, thì việc thay chậu cho cây sẽ là một nhiệm vụ có vẻ hơi lộn xộn và khó khăn một chút. Nhưng nếu có đầy đủ các dụng cụ và kiến thức thì việc này không hề khó khăn một chút nào.
Kiến thức cơ bản
Khi nào thì cây cần thay chậu?
Bước đầu tiên là bạn cần xác định xem cây của mình đã cần thay đất hoặc thay chậu chưa. Việc thay đất sẽ làm cho cây bị “stress”, vì vậy không nên thay thường xuyên. Lý do chính để thay đất hoặc chậu cho cây là tăng thêm không gian cho bộ rễ cây phát triển và cung cấp dinh dưỡng cho cây từ nguồn đất mới, vì chất dinh dưỡng trong chậu sẽ bị cạn kiệt dần theo thời gian.
Một số dấu hiệu cho thấy cây của bạn cầy thay chậu là rễ cây chui ra từ các lỗ thoát nước, đất khô và cằn cỗi. Hoặc cây của bạn đã quá lớn, không còn cân đối khi trồng trong chậu cũ nữa thì đã đến lúc bạn nên cân nhắc đưa cây vào một ngôi nhà mới rộng rãi hơn.
Bao lâu thì nên thay chậu hoặc đất cho cây một lần?
Đối với những loại cây nhỏ trồng trong chậu có đường kính từ 5cm – 20cm, sau 1 hoặc 2 năm thì nên thay chậu hoặc đất.
Đối với cây lớn trồng trong chậu có đường kính trên 25cm thì nên thay sau 2 hoặc 4 năm.
Sau mỗi khoảng thời gian như vậy, việc thay đất sẽ cung cấp dinh dưỡng cho cây còn việc thay chậu lớn hơn sẽ kích thích rễ phát triển, giữ cho cây khỏe mạnh. Nếu bạn không muốn cây của mình lớn hơn thì việc thay đất cũng rất cần thiết trong việc duy trì sức sống của cây.
Bạn có thể cắt tỉa cành lá để duy trì kích thước của cây, nhưng bộ rễ thì buộc phải khỏe mạnh thì cây mới khỏe mạnh.
Thời điểm thay là yếu tố quyết định
Nên thay đất hoặc chậu cho cây vào mùa xuân hoặc mùa hè. Đó là khoảng thời gian cây khỏe nhất và phát triển mạnh nhất.
Đối với những cây đang ốm yếu thì sao?
Rất nhiều người đã hỏi O2Sky về việc thay chậu hoặc đất cho cây đang bị suy yếu với hy vọng rằng việc này sẽ là một phương thuốc thần kỳ giúp cây của họ hồi phục. Thực tế việc thay chậu khi cây đang suy nhược sẽ khiến cây bị “stress” và càng yếu hơn nữa. Trừ khi cây bị thiếu dinh dưỡng hoặc đã trồng trong chậu cũ quá lâu làm cho rễ không phát triển được. Tốt nhất nên tìm hiểu kỹ các vấn đề của cây trước khi thay chậu, để sau khi thay chậu cây chỉ tập trung vào phát triển bộ rễ.
6 bước cơ bản khi thay chậu
Bước một:
Trước khi thay chậu, bạn cần đảm bảo mình đã chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết: cây cần thay, chậu mới, đất mới, vật liệu thoát nước,…
Chậu và đất được sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại cây của bạn. Đối với loại cây cần nhiều nước, bạn nên chọn loại chậu tự tưới, hoặc chậu có lỗ thoát nước. Nước sẽ bị tích tụ trong loại chậu không có lỗ thoát nước, nên loại chậu này sẽ phù hợp cho loại cây có nhu cầu nước trung bình hoặc thấp.
Đối với hầu hết các loại cây, đất hỗn hợp là một lựa chọn tuyệt vời. Nhưng đối với những cây thích đất khô hoàn toàn giữa các lần tưới – chẳng hạn như xương rồng, sen đá, lưỡi hổ,… thì bạn nên sử dụng loại đất với công thức chuyên dùng các loại xương rồng và sen đá. Loại đất này tơi và có nhiều sỏi nhỏ so với đất thông thường, loại đất này cũng thoát nước nhanh hơn và giữ ẩm ít hơn.
Bước 2:
Lót đáy chậu mới của bạn bằng 1 lớp sỏi hoặc đá nhỏ dù chậu của bạn có lỗ thoát nước hay không. Việc này sẽ ngăn đất tiếp xúc với đáy chậu, hạn chế sự phát triển của nấm mốc và các loại tảo. Đối với các loại chậu không có lỗ thoát nước thì việc này càng quan trọng hơn. Vì lớp đá sẽ tạo ra một vùng đệm trữ lại lượng nước dư thừa và sẽ được tái hấp thu vào đất. Rắc một lớp đá ở dưới, một lớp đất mỏng phía trên, nhớ đừng cho nhiều đất quá nhé. Đến bước tiếp theo nào!
Bước 3:
Lấy cây ra khỏi chậu cũ bằng cách bóp nhẹ hai bên chậu hoặc dùng một lưỡi dao mỏng nhẹ nhàng lướt quanh thành chậu. Nắm lấy phần gốc cây và từ từ rút cây ra khỏi chậu. Nếu phần rễ cây có vẻ “cứng đầu” hãy mạnh dạn cắt đứt phần rễ đó bằng kéo hoặc dao, vì dù sao mục đích thay chậu hoặc đất là để cây phát triển rễ mới mà. Trong trường hợp cây vẫn còn trồng trong chậu ươm bằng nhựa, bạn hoàn toàn có thể cắt đôi chậu để lấy được tất cả phần rễ.
Bước 4:
Bây giờ, hãy đặt cây vào trong chậu mới. Trước khi đặt vào, bạn đừng quên “mát-xa” cho rễ cây một chút nhé, mục đích là để rễ được thả lỏng và loại bỏ hết phần đất cũ. Với những cây có bộ rễ nhạy cảm như xương rồng, sen đá hay lưỡi hổ,… thì nhớ nhẹ tay hết sức có thể nhé.
Bước 5:
Dùng đất mới lấp đầy phần rễ cây, nhớ nén phần đất mới thật chặt và chắc chắn nhé. Vì nếu nén không chắc thì cây dễ bị đổ. Tiếp tục đổ đất đầy đến miệng chậu và nén thật chắc chắn.
Bước 6:
Cuối cùng, dọn hết bụi bẩn xung quanh chậu cây và dành một chút thời gian để tận hưởng thành quả của mình nào! Tưới cho bé cây của mình một chút nước khi dọn dẹp xong xuôi. Đối với xương rồng hoặc sen đá thì nên kiêng nước khoảng 1 tuần, vì rễ của chúng phát triển tốt hơn trong đất khô. Thỉnh thoảng cây sẽ bị shock khi thay chậu hoặc đất, nhưng bạn cũng đừng lo lắng quá!
Chúc bạn thành công!